Khi mang thai cơ thể thay đổi tương đối nhiều vì nội tiết tố và chức năng của các bộ phận trong cơ thể đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, những vấn đề thường gặp này là hoàn toàn bình thường trong thai kỳ. Vậy cơ thể thay đổi khi mang thai sẽ diễn ra như thế nào?
Đau bụng (buồn nôn)
Cảm giác đau bụng buồn nôn thường được gọi là “ốm nghén” khi mang thai. Trong thời gian 3 tháng đầu, bạn có thể cảm thấy đau bụng bất kể lúc nào hoặc suốt cả ngày. Lúc này bạn luôn có cảm giác buồn nôn, thậm chí nôn rất nhiều, ăn bao nhiêu nôn bấy nhiêu. Chính vì thế, nhiều người mẹ khi mang thai bị sút cân trong 3 tháng đầu tiên.
- Để giúp phụ nữ vượt qua những thay đổi khi mang thai trong giai đoạn đầu, bạn có thể sử dụng những mẹo sau:
- Trước bữa ăn, bạn có thể uống một ly trà gừng hoặc quế để tránh buồn nôn.
- Chia các bữa ăn chính thành nhiều bữa nhỏ và không nên ăn nhiều thức ăn chứa dầu mỡ hoặc khó tiêu hóa, gây đầy hơi sẽ tăng cảm giác buồn nôn.
- Liếm một quả chanh khi bạn cảm thấy nôn nao.
- Lựa chọn các món ăn bạn ưa thích.
- Bạn có thể ăn bánh quy, bánh mì, hoặc cơm cháo khi bạn thức dậy vào buổi sáng. Tinh bột sẽ giúp bạn đỡ buồn nôn.
Trong trường hợp bạn nôn quá nhiều, không thể giữ lại được chút thức ăn nào hoặc có dấu hiệu mất nước thì hãy tới gặp bác sĩ.
Ợ chua hoặc khó tiêu
Ở giai đoạn tiếp theo bạn có thể bị ợ chua hoặc khó tiêu sau khi ăn. Ợ chua khiến bạn cảm thấy cổ họng và ngực nóng rát.
Trong trường hợp này bạn cần:
- Vẫn duy trì ăn nhiều bữa nhỏ thay vì ăn những bữa chính như trước khi mang thai.
- Không nên ăn thức ăn cay và nhiều dầu mỡ.
- Bạn cần uống nhiều nước và các loại chất lỏng trong suốt như: nước dừa.
- Bạn nên đi lại nhẹ nhàng sau khi ăn thay vì nằm nghỉ luôn.
- Bạn kê cao gối khi ngủ để đầu cao hơn bụng.
- Bạn nên uống sữa hoặc ăn sữa chua.
Âm đạo tiết dịch nhiều
Một trong những biểu hiện của cơ thể thay đổi khi mang thai là tiết ra nhiều dịch màu trắng từ âm đạo hơn mức bình thường. Đây cũng là hiện tượng phổ biến và không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên dịch tiết ra nhiều sẽ khiến bạn cảm thấy ngứa ngáy nếu không vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách. Khi dịch có mùi hôi, bạn cần tới gặp bác sĩ phụ khoa vì có thể bạn đã bị viêm nhiễm âm đạo và cần được điều trị sớm. Hiện tượng này cũng khá phổ biến khi mang thai và việc điều trị là cần thiết vì em bé sẽ ra khỏi tử cung qua âm đạo của mẹ nên nếu âm đạo bị viêm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này.
Trong trường hợp dịch tiết ra có máu hoặc chất nhầy, hoặc chảy nhiều nước, bạn cần tới ngay bệnh viện vì đây có thể là dấu hiệu chuyển dạ sớm.
Sưng tĩnh mạch (giãn tĩnh mạch)
Thay đổi của cơ thể khi mang thai còn được kể đến hiện tượng giãn tĩnh mạch. Lúc này các tĩnh mạch ở chân và xung quanh âm đạo sưng xanh và có thể gây đau đớn cho bạn. Điều này xảy ra do trọng lượng của em bé trong bụng bạn đang lớn dần lên.
Để hạn chế những khó chịu do giãn tĩnh mạch, bạn nên:
- Không đứng quá lâu trong một tư thế. Nếu bạn cần phải đứng thì hãy đi lại nhẹ nhàng hoặc di chuyển chân của mình.
- Khi bạn ngồi, hãy gác chân lên ghế ở mức cao nhất có thể.
- Đi bộ hàng ngày sẽ tốt cho chân của bạn cũng như giúp bạn sinh bé dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu thai nhi của bạn không khỏe hoặc bạn có nguy cơ động thai.
- Nếu tình trạng giãn tĩnh mạch trở nên nghiêm trọng, bạn cần tới gặp bác sĩ để được điều trị sao cho không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.
Táo bón (khó đi tiêu)
Táo bón là hiện tượng phổ biến, là nỗi khổ khó nói của phụ nữ mang thai và sau sinh. Thậm chí nhiều người còn phát triển thành bệnh trĩ, gây đau đớn khổ sở. Nguyên nhân của táo bón là bởi cơ thể thay đổi khi mang thai làm cho ruột hoạt động chậm hơn, phân cứng hơn dẫn đến khó đi ngoài.
Để ngăn ngừa táo bón, bạn nên:
- Uống ít nhất ngày 2 lít nước.
- Vận động nhẹ nhàng hàng ngày.
- Nếu bạn đang uống sắt, hãy uống ít đi và tăng cường dùng nước ép trái cây. Hoặc bạn có thể uống cách ngày bởi sắt khiến bạn bị táo bón.
- Ăn nhiều trái cây, rau củ và các thực phẩm có chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt và sắn.
- Không nên dùng thuốc nhuận tràng vì nó chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, không giải quyết gốc rễ vấn đề của bạn.
Trĩ
Một phần nguyên nhân khiến bạn bị trĩ hoặc làm cho bệnh trĩ tồi tệ hơn chính là do táo bón. Đây là hiện tượng các tĩnh mạch xung quanh hậu môn bị sưng lên gây ngứa, bỏng rát và chảy máu.
Để giảm đau đớn do bệnh trĩ gây ra, bạn có thể sử dụng các mẹo sau:
- Ngồi trong chậu nước mát để giảm cơn đau.
- Thực hiện các lời khuyên để phòng ngừa táo bón.
- Quỳ và để mông trên không.
- Sử dụng thuốc bôi theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Chân bị chuột rút
Thông thường vào những tháng cuối của thai kỳ, phụ nữ mang thai sẽ bị chuột rút ở bàn chân hoặc cả bàn chân, đặc biệt vào ban đêm khi ngủ. Chuột rút là do lượng canxi bổ sung trong chế độ ăn uống hàng ngày không đủ. Để phòng tránh chuột rút, bạn cần:
- Bổ sung thêm các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi như sữa, phomai, hạt vừng, rau lá xanh.
- Nếu bạn đang bị chuột rút, hay đẩy gót chân xuống và hướng ngón chân lên trên rồi vuốt ve chân của bạn nhẹ nhàng để chân được thư giãn.
Đau lưng dưới
Đau vùng thắt lưng cũng là biểu hiện cơ thể thay đổi khi mang thai mà các bà mẹ gặp phải ở những tháng cuối của thai kỳ, khi em bé đang lớn lên với tốc độ nhanh chóng. Để giảm đau đớn ở thắt lưng bạn cần:
- Nhờ ai đó xoa bóp lưng để làm dịu cơn đau.
- Tránh làm công việc nặng nhọc, bê vác nặng vì điều này còn ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của thai nhi.
- Luôn giữ tư thế đứng hoặc ngồi thẳng lưng.
- Nằm nghiêng khi ngủ và kẹp chiếc gối ở dưới.
- Thực hiện bài tập: tay và đầu gối chống xuống sàn và lưng thẳng, sau đó cuộn lưng lên rồi lại đưa lưng về trạng thái ban đầu.
Phù và đau chân
Khi trọng lượng của em bé tăng lên kết hợp với những công việc phải đứng cả ngày sẽ dẫn đến hiện tượng chân bị phù và đau. Để hạn chế tình trạng này, bạn cần:
- Ngồi ở tư thế chân đưa lên cao nhất có thể.
- Khi nằm nghỉ, bạn nên nằm nghiêng về bên trái.
- Nếu bàn chân của bạn sưng to, hoặc sau khi thức dậy vào buổi sáng mặt và tay bạn cũng sưng thì đây là dấu hiệu của tiền sản giật, bạn cần tới khám bác sĩ.
Bài viết có liên quan: Bạn cần chuẩn bị gì khi sinh mổ?