Home Chăm sóc bé Nguyên nhân trẻ bị rôm sảy vào mùa hè

Nguyên nhân trẻ bị rôm sảy vào mùa hè

by Dược sỹ
25 views

Rôm sảy là hiện tượng trẻ bị phát ban do nhiệt hoặc do mồ hôi, tạo thành một nhóm các mụn nhỏ li ti hoặc các mụn nước trong suốt. Rôm sảy khiến trẻ ngứa, có cảm giác châm chích và đau nếu trẻ gãi. Rôm sảy có thể được điều trị tại nhà rất đơn giản bằng cách giữ cho da trẻ luôn khô ráo, mát mẻ. Vậy nguyên nhân nào khiến trẻ thường bị rôm sảy vào mùa hè? Chúng ta sẽ cùng đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.

Rôm sảy là gì?

Rôm sảy là hiện tượng một vùng da trên cơ thể xuất hiện các mụn nhỏ li ti chủ yếu ở các vùng da có nếp gấp như nách, bẹn, cổ…do mồ hôi đọng lại trên da. Hiện tượng này xảy ra bởi mồ hôi bị mắc kẹt dưới các lỗ chân lông và không thể thoát ra khỏi cơ thể.

Trẻ ở vùng khí hậu nóng ẩm và không thể nhận đủ không khí tiếp xúc với da hay nói cách khác là da không thở được sẽ dễ bị rôm sảy hơn.

Những ai có thể bị rôm sảy?

Rôm sảy có thể ảnh hưởng tới bất kỳ ai và ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ có nguy cơ xuất hiện rôm sảy cao hơn vì các tuyến mồ hôi và ống dẫn mồ hôi của trẻ còn đang phát triển và chưa hoàn thiện.

Hơn nữa, trẻ sơ sinh thường được quấn chặt trong nhiều lớp quần áo, khăn quấn làm cho mồ hôi đổ ra nhiều hơn. Mồ hôi đọng lại trên cơ thể không chỉ khiến trẻ bị rôm sảy, mà còn nguy cơ mắc những bệnh về đường hô hấp, nấm da, hăm tã…

Một số người bệnh nằm một chỗ trong thời gian dài hoặc người bị sốt cao cũng có thể bị rôm sảy.

Triệu chứng và nguyên nhân trẻ bị rôm sảy

Triệu chứng của rôm sảy

Một số biểu hiện phổ biến của rôm sảy như:

  • Một nhóm mụn có màu đỏ hoặc màu da hoặc trong suốt như mụn nước.
  • Vùng da dưới phát ban có màu thịt, đỏ hoặc tím tùy mức độ nghiêm trọng.
  • Rôm sảy có thể xuất hiện bất cứ đâu trên cơ thể nhưng chủ yếu ở các nếp gấp nơi da tiếp xúc với da như: tay, chân,cổ, gáy, nách, háng, dưới ngực, đùi trong hoặc những nơi tiếp xúc lâu với quần áo như: cạp quần.

Các triệu chứng của rôm sảy

Rôm sảy do nhiệt hình thành chỉ sau vài phút đến vài giờ tính từ khi mồ hôi đọng lại trên da trẻ với các triệu chứng phổ biến như:

  • Cảm giác gai người, nổi da gà.
  • Da sưng tấy xung quanh nốt phát ban.
  • Cảm giác đau rát nhẹ.
  • Ngứa nhẹ hoặc nặng tùy vào mức độ nghiêm trọng.
  • Trẻ sẽ ngứa dữ dội, thậm chí đau nếu gãi vào vùng da bị phát ban khiến mụn vỡ ra.

Bạn cần đưa trẻ tới gặp bác sĩ nếu trẻ gặp các triệu chứng nghiêm trọng sau:

  • Vùng da bị phát ban ấm nóng khi chạm vào.
  • Khu vực phát ban bị chảy mủ hoặc chất lỏng trong suốt do trẻ gãi.
  • Trẻ ngứa dữ dội và dai dẳng, kéo dài tình trạng phát ban hơn một tuần.
  • Trẻ sốt và buồn nôn.
Rôm sảy có ngứa không?

Trẻ bị rôm sảy có ngứa không? Đây là câu hỏi phổ biến của nhiều bậc phụ huynh lần đầu tiên có con bị rôm sảy. Tuy nhiên câu trả lời đã được chúng tôi nhắc nhiều lần ở trên. Trẻ bị rôm sảy đa phần là ngứa từ nhẹ cho đến dữ dội và càng ngày càng ngứa nhiều hơn, đặc biệt sau khi các nốt mụn nước bị vỡ ra do gãi sẽ dẫn đến nhiễm trùng, da non mọc lên lại càng ngứa. Chính vì thế mẹ cần có phương pháp để hạn chế việc trẻ gãi.

Rôm sảy có lây không?

Rôm sảy có lây không cũng là một thắc mắc mà chúng tôi nhận được từ nhiều bà mẹ. Mặc dù các nốt rôm sảy có xu hướng lan rộng trên toàn cơ thể trẻ nhưng chúng không phải do vi khuẩn hay virus gây ra nên không thể lây từ trẻ này sang trẻ khác. Rôm sảy không phải là một bệnh lây nhiễm. Chúng chủ yếu xuất hiện tại những vùng da tiếp xúc lâu với quần áo và mồ hôi cơ thể.

Nguyên nhân trẻ bị rôm sảy vào mùa hè

Nguyên nhân trẻ bị rôm sảy là bởi các đường ống dẫn mồ hôi lên bề mặt da (lỗ chân lông). Sự tắc nghẽn mồ hôi này gây kích ứng da, khiến da bị viêm và hình thành nên các nốt phát ban gọi là rôm sảy. Chính bởi do mồ hôi đổ ra quá nhiều và nhiều hơn khi nhiệt độ tăng cao nên rôm sảy chủ yếu xảy ra chủ yếu vào mùa hè.

Một số yếu tố gây tắc nghẽn ống dẫn mồ hôi như:

  • Tế bào chết từ da làm tắc nghẽn tuyến mồ hôi.
  • Lượng mồ hôi tích tụ quá nhiều và không thể bay hơi bởi chúng bị mắc kẹt giữa cơ thể và quần áo của trẻ.
  • Các nang lông làm tắc nghẽn các tuyến mồ hôi.
  • Nội tiết tố thay đổi.
  • Không khí không đủ thoáng giữa da và quần áo.
  • Nguyên nhân trẻ bị rôm sảy không phải do bẩn hay tắm không kỹ.

Chẩn đoán rôm sảy ở trẻ

Để chẩn đoán rôm sảy ở trẻ, bác sĩ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi về triệu chứng của trẻ cùng với việc quan sát các nốt phát ban trên da trẻ. Chẳng hạn như hỏi về thời gian xuất hiện triệu chứng, hoàn cảnh xuất hiện phát ban và môi trường sinh hoạt của trẻ. Không cần phải thực hiện bất kỳ xét nghiệm nào để chẩn đoán rôm sảy.

Chăm sóc và điều trị rôm sảy

Rôm sảy thông thường sẽ tự khỏi sau một vài ngày mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, tùy vào mức độ nghiêm trọng của phát ban trên cơ thể mà bạn có thể điều trị tại nhà cho bé bằng những cách sau:

Làm cho da trẻ khô và mát

Nếu trẻ ở ngoài trời nắng, nhiệt độ cao thì cần đưa trẻ vào khu vực có bóng râm, cởi bớt quần áo, dùng khăn mát để chườm. Nếu trẻ ở trong nhà, cần để trẻ ở trong phòng thoáng mát có điều hòa hoặc quạt máy và tắm cho bé bằng nước tắm thảo dược và dùng khăn lau nhẹ cho khô hoặc để cơ thể bé khô tự nhiên để tránh gây kích ứng da.

Mặc cho trẻ quần áo từ vải cotton

Lựa chọn những bộ quần áo từ chất liệu cotton nhẹ nhàng, thoáng mát, khả năng thấm hút mồ hôi tốt, không để mồ hôi đọng lại trên da trẻ đồng thời có thể lưu thông không khí giữa quần áo và da trẻ. Không nên sử dụng các chất liệu từ vải tổng hợp, không thoát được không khí và mồ hôi.

Tránh ma sát

Trẻ nên mặc quần áo rộng rãi không cọ xát vào cơ thể để tránh kích ứng da. Đối với khu vực đóng tã, bạn cần nới lỏng và thi thoảng không đóng tã cho trẻ, tránh hăm tã và rôm sảy.

Sử dụng thuốc chống ngứa

Nếu trẻ bị ngứa dữ dội và đau đớn do bị rôm sảy, bác sĩ có thể sẽ kê thuốc chống ngứa để làm dịu. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng phụ nên bạn cần sử dụng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Hạ sốt cho trẻ

Nếu trẻ bị rôm sảy kèm theo sốt, bạn có thể sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ nhưng tốt nhất cần đưa trẻ tới gặp bác sĩ bởi có thể vùng da bị tổn thương đã có dấu hiệu nhiễm trùng.

Rôm sảy bao lâu thì khỏi

Kể từ khi làm mát cơ thể cho trẻ, rôm sảy có thể biến mất chỉ trong một ngày tùy vào mức độ nghiêm trọng. Trung bình rôm sảy kéo dài khoảng 3-5 ngày. Nếu sau 7 ngày rôm sảy vẫn chưa khỏi hoặc tình trạng trở nên tồi tệ hơn thì bạn cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để điều trị.

Lưu ý khi điều trị rôm sảy cho trẻ

Trước đây các mẹ hay sử dụng phấn rôm, thuốc mỡ để điều trị rôm sảy cho trẻ nhưng đây là sai lầm bởi chúng gây bít tắc lỗ chân lông và làm cho tình trạng phát ban của trẻ trở nên trầm trọng hơn.

Phòng ngừa rôm sảy cho trẻ

Gần giống như cách điều trị rôm sảy tại nhà, phòng ngừa rôm sảy cũng bắt đầu từ nguyên nhân trẻ bị rôm sảy:

  • Giữ cho cơ thể trẻ luôn sạch sẽ, mát mẻ bằng cách tắm hàng ngày với nước tắm thảo dược trẻ em.
  • Luôn chọn những bộ quần áo rộng rãi, nhẹ nhàng thoáng mát để tạo ra không khí lưu thông giữa quần áo và cơ thể, tránh để quần áo cọ xát vào da bé.
  • Chọn lựa quần áo thấm hút mồ hôi tốt.
  • Thường xuyên lau mồ hôi cho trẻ cả lúc vận động lẫn lúc ngủ để tránh mồ hôi đọng lại trên bề mặt da trẻ quá lâu.
  • Đảm bảo không gian xung quanh trẻ luôn mát mẻ bằng cách bật quạt hoặc điều hòa không khí.
  • Giữ cho cơ thể trẻ luôn đủ nước bằng cách cho trẻ uống nhiều nước.
  • Tránh không nên để trẻ hoạt động mạnh ở những nơi có nhiệt độ cao, nắng nóng.
  • Che chắn cẩn thận khi trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Một số trường hợp khẩn cấp

Rôm sảy thường lành tính và không nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp dưới đây, bạn nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để tránh hậu quả đáng tiếc:

  • Trẻ ngứa dữ dội và đau đớn.
  • Khu vực phát ban khi sờ vào có cảm giác ấm nóng.
  • Vùng da bị phát ban nhiễm trùng khiến trẻ sốt, buồn nôn và sưng to.

Mùa hè thật tuyệt vời cho những chuyến đi chơi nhưng cũng mang đến nhiều tác động không tốt cho sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, nếu có đầy đủ kiến thức về các bệnh mùa hè trẻ thường gặp, bạn sẽ có những phương án phòng ngừa để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

 

 

Rate this post

You may also like

Bình luận