Chăm sóc con yêu mới chào đời là niềm hạnh phúc của mỗi cha mẹ. Những chỉ cử hành động thường ngày với bé yêu là khoảnh khắc thiêng liêng để cha mẹ gắn kết tình cảm với bé hơn. Vệ sinh cho trẻ sơ sinh là một trong những hành động giúp cha mẹ và bé yêu tận hưởng giây phút tràn đầy yêu thương. Vậy vệ sinh cho trẻ sơ sinh thế nào là đủ và đúng?
Tắm như thế nào được coi là vệ sinh cho trẻ sơ sinh đúng?
Tắm là một trong những bước chăm sóc trẻ sơ sinh quan trọng nhất bởi việc này giúp trẻ đảm bảo vệ sinh để có một sức khỏe tốt.
Những đồ dùng cần thiết cho việc tắm cần được cha mẹ chuẩn bị đầy đủ trước khi tiến hành các bước tắm cho con như: Chậu tắm nhựa, ghế gập nhỏ hoặc lưới tắm để mẹ không bị mỏi và trơn tay khi đỡ bé, khăn xô mềm dùng để tắm, khăn xô lớn để ủ cũng như lau người bé (đảm bảo khăn của bé được giặt sạch sẽ không có ký sinh trùng) và sữa tắm.
Dù trong mùa hè hay mùa đông, nước tắm của trẻ luôn được duy trì ở nhiệt độ 37 độ C, không sử dụng nước tắm quá nóng sẽ gây bỏng rát da bé hoặc nước quá lạnh khiến bé dễ bị cảm lạnh. Tắm bé trong thời gian không quá 5 phút.
Sử dụng lòng bàn tay của mẹ xoa nhẹ nhàng khi thoa sữa tắm lên người và đầu bé. Gội hàng ngày trong 4 tháng đầu tiên khi trẻ chào đời để loại bỏ lớp da cáy. Xoa nhẹ nhàng đầu bằng dầu gội thích hợp rồi dùng vòi nước hoa sen có nước ấm hay dùng cốc nhựa nhỏ dội thật nhẹ, từ từ lên đầu bé.
Khi mọi thủ tục đã hoàn tất, quấn bé vào trong khăn tắm mềm, lau sạch mọi kẽ da để sự ẩm ướt không lưu lại, tấn công làn da nhạy cảm của bé.

Tắm như thế nào được coi là vệ sinh cho trẻ sơ sinh đúng?
Những điều cần lưu ý khi vệ sinh cho trẻ sơ sinh
Trong quá trình tắm cho bé yêu, cha mẹ có một số điều cần lưu ý để đảm bảo vệ sinh cho trẻ sơ sinh đủ và đúng cách nhé!
Vệ sinh vùng kín
Vùng mông và hậu môn của trẻ là vùng luôn cần vệ sinh và thay đồ sạch sẽ. Bởi trong phân và nước tiểu có chứa acid và các vi khuẩn gây hại cho da của bé. Việc vệ sinh vùng này thường xuyên là rất tốt, giúp bảo vệ da của bé.
Vùng kín của trẻ luôn cần chú ý chăm sóc kỹ, rửa sạch nhẹ nhàng bằng khăn xô mềm thấm nước. Cha mẹ đặc biệt lưu ý đến những vùng có nếp gấp ở bẹn để làm sạch cẩn thận.
Khi phát hiện vùng kín của trẻ xuất hiện những nốt mẩn đỏ, cha mẹ hãy rửa nhẹ nhàng để tránh làm rát da bé. Hỏi ý kiến bác sĩ về các loại thuốc bôi ngoài da phù hợp với trẻ sơ sinh.
Sử dụng những loại bỉm phù hợp với da bé, tránh các loại có chất liệu thô ráp, dễ gây kích ứng cho da bé.
Thay quần áo
Trong tháng đầu tiên của sau khi trẻ sinh ra, thay quần áo có thể cần thực hiện 6-10 lần/ngày. Quần áo, bao tay, bao chân, tã giấy… cần được mẹ chuẩn bị sẵn đặt tại những nơi khô thoáng gần vị trí của mẹ và bé nằm để tiện cho việc lấy đồ nhanh chóng.
Khi thay quần áo, mẹ đặt bé nhẹ nhàng nằm duỗi thẳng trên giường, lót bên dưới một chiếc khăn sạch hoặc chiếu thay tã. Cởi bỏ tã và vệ sinh phần mông bé, sau đó gấp tã cũ lại bỏ ra ngoài và thay tã mới cho bé.
Chú ý khi buộc tã, nút buộc phải cao hơn rốn, với bé trai, cần để ‘trái ớt’ của bé phía dưới nút buộc để không bị dịch chuyển lên phần trên khiến bé đau. Trong khi thay tã, không được rời bé một giây và 1 tay luôn giữ bé để phòng những tình huống rủi ro như bé ngọ nguậy rồi ngã….

Những điều cần lưu ý khi vệ sinh cho trẻ sơ sinh
Vệ sinh cuống rốn
Cuống rốn là nơi mẹ cần lưu ý rất nhiều khi vệ sinh vùng này bởi rốn là khu vực nhạy cảm. Trong vòng 5-15 ngày sau sinh, cuống tốn sẽ tự rụng, mẹ luôn để thoáng khí và vùng rốn bé sạch sẽ để cuống rốn rụng nhanh. Không quấn tã chạm vào vùng rốn khi rốn chưa rụng và chưa lành sau rụng. Khi thấy có các biểu hiện bất thường như cuống rốn tấy đỏ thì cần hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa.
Vệ sinh mắt
Mắt trẻ sơ sinh rất non yếu nên cần được vệ sinh hàng ngày để tránh các bụi bẩn, gỉ mắt bám lại trên lông mi của bé. Sử dụng một miếng gạc hoặc bông y tế nhúng vào nước muối sinh lý để lau sạch mắt cho bé.
Mẹ không cần quá lo lắng khi gỉ mắt của trẻ màu trắng hay đôi khi kèm theo một ít máu. Đây không phải triệu chứng nhiễm trùng mà nguyên nhân là do việc giảm progesteron lấy từ cơ thể mẹ khi còn trong bụng mẹ nên hiện tượng này sẽ tự biến mất. Để yên tâm hơn, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa.
Vệ sinh mũi
Mũi cũng là nơi mà cha mẹ cần thường xuyên vệ sinh cho bé. Sử dụng tâm bông nhúng với nước muối sinh lý và ngoáy nhẹ nhàng để lấy đi các chất nhớt. Hành động này có thể gây khó chịu và bé sẽ không hợp tác, cha mẹ hãy thực hiện nhanh chóng để tránh bé khóc nhé!
Vệ sinh tai
Để vệ sinh tai cho trẻ cha mẹ cần thực hiện thật cẩn thận và nhẹ nhàng để tránh tổn thương tới màng nhĩ của bé. Dùng tăm bông ngoáy nhẹ nhàng và không đưa vào quá sâu. Giữ đầu bé thật chặt để tránh bé ngọ nguậy khiến việc vệ sinh không an toàn.
Vệ sinh móng tay
Kiểm tra tình trạng móng tay của bé nhiều lần trong tuần và chỉ khi bé tròn 1 tháng tuổi thì mới được cắt móng tay. Nếu chúng quá dài hay bị gãy thì cần sửa móng tay của bé ngay. Sử dụng những chiếc bấm móng tay thật sắc, đầu tròn phù hợp, tránh để lại những miếng mẩu móng tay thừa ở hai bên móng, đó có thể là nguyên nhân gây viêm nhiễm và đặc biệt không nên cắt móng tay quá ngắn.
Trên đây là bài viết “Vệ sinh cho trẻ sơ sinh thế nào là đủ và đúng?. Hi vọng bài viết đã cung cấp được những thông tin cần thiết và hữu ích đến các quý bạn đọc.